• Tin tức
Thứ 4, 19/02/2014 08:35:02

Khi người dân “mua”... dịch vụ công

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố nghiên cứu cho thấy tình trạng trả phí ngoài quy định khi sử dụng dịch vụ công tại Việt Nam là khá phổ biến. Nhiều người dân còn cho rằng đây là cách... mua sự thuận tiện.

 


 

Trong số những người có sử dụng dịch vụ, tỷ lệ người dân phải trả phí ngoài quy định cho cảnh sát giao thônglà cao nhất, chiếm 47% số người trả lời. Hơn 30% cho rằng phải trả chi phí ngoài quy định khi xin học cho con. Khi xin việc trong cơ quan nhà nước có tỷ lệ 29%. Dịch vụ y tế và giấy phép xây dựng, sửa chữa nhà cửa có tỷ lệ khoảng 25%. Tâm lý chung của người dân là thà mất tiền còn hơn phải đương đầu với các thủ tục rắc rối.

Tự nguyện để... mua sự nhanh chóng

Thậm chí, một số người vẫn phải trả chi phí ngoài quy định ngay cả với những loại dịch vụ mà thông thường không ai nghĩ điều này có thể xảy ra, như: khi người nghèo sử dụng "bảo hiểm phúc lợi xã hội" và "đăng ký khai sinh" cho trẻ sơ sinh. Trong số các loại chi phí phải trả ngoài quy định, xin cấp sổ đỏ hay xin việc trong cơ quan nhà nước là lĩnh vực phải trả các khoản tiền lớn hơn so với các dịch vụ khác.

Câu hỏi đặt ra là vì sao người dân phải trả thêm phí ngoài quy định ngay cả khi không bị yêu cầu? Kết quả khảo sát của WB cho thấy có nhiều lý do khiến người dân chọn cách trả phí ngoài quy định. Có 17% số người được hỏi cho rằng "không đưa tiền thì không xong việc", 41% chỉ vì thấy người khác cũng làm thế.

Cơ chế gợi ý đưa tiền ngoài quy định cũng là vấn đề đáng quan tâm. Phổ biến nhất là tình trạng cán bộ chủ ý gây khó khăn hoặc trì hoãn giải quyết công việc để người dân tự nguyện "bồi dưỡng". 18% cho biết cán bộ gợi ý trực tiếp, và 17% nói họ phải qua "cầu trung gian". Nhất là trong các dịch vụ cấp sổ đỏ, xin giấy phép sửa chữa nhà hay xin việc trong cơ quan nhà nước, 50% số người trả tiền ngoài quy định cho rằng các khoản tiền đó được gợi ý chứ không phải tự nguyện.

Phản ứng khi gặp tình huống gợi ý phải chi trả ngoài quy định, có 37% nộp tiền ngay để được việc. Chỉ có 3% số người được hỏi cho biết là báo với cơ quan có thẩm quyền. Trên thực tế, việc trả tiền ngoài quy định có hiệu quả khi 58% số người đã chi trả cho biết công việc được giải quyết triệt để và 24% nói được giải quyết một phần.

WB cũng đánh giá rằng, khảo sát người dân đã giúp minh họa các dạng tham nhũng trong sự tương tác giữa cơ quan nhà nước và xã hội. Điều này chứng tỏ còn rất nhiều việc phải  làm trong lĩnh vực cải cách hành chínhcông, tăng cường quản lý nguồn nhân lực và quản lý tài sản công.

Chính vì vậy, khi được hỏi về những đánh giá của mình về tham nhũng, ông Jim Carpy - Trưởng đại diện Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID), cũng nhấn mạnh tham nhũng hiện vẫn đang là một vấn nạn tại Việt Nam."Chính phủ Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm kiềm chế vấn nạn này. Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng phải là công việc của tất cả các tầng lớp xã hội", ông Jim Carpy khẳng định.

Tạo cơ chế để có một “thế hệ biết nói không”

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), không chỉ người dân, DN vừa là nạn nhân vừa là tác nhân của tham nhũng, nhưng cũng là đối tác trong phòng chống tham nhũng(PCTN) khi có thể đưa ra kiến nghị các giải pháp PCTN hướng đến chính quyền không tham nhũng. Để DN nói không với hối lộ, theo ông Lộc, việc cần thiết là xây dựng doanh nghiệp liêm chính để nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập.

Đồng tình, đại diện Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam cũng cho biết để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thì cần phải có các giải pháp như: thực thi tốt hơn các quy định liên quan phòng, chống tham nhũng hiện có; tính độc lập của các thể chế để DN phải hối lộ có thể khiếu nại để xử lý hành vi đòi hối lộ; mở rộng PCTN đối cả khu vực tư nhân, người nhận là có tội nhưng người đưa cũng có trách nhiệm... Khẳng định Việt Nam đã ban hành nhiều thể chế PCTN, nhưng Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận vẫn chưa đầy đủ. Việc thực hiện liêm chính trong kinh doanh cần thiết nhưng một vài DN thực hiện khó thành công vì họ bị các DN khác cạnh tranh không chính đáng, bị cô lập...

 

Tâm lý chung của người dân là "thà mất tiền còn hơn phải đương đầu với các thủ tục rắc rối".

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, hiện Bộ Tư pháp đang chủ trì nghiên cứu khả năng mở rộng phạm vi điều chỉnh của pháp luật PCTN sang khu vực tư nhân, hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp hay trách nhiệm hình sự của pháp nhân để đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội trong lần sửa đổi Bộ luật Hình sự sắp tới.

 

Đặc biệt, trong nhiều giải pháp tổng hợp để đạt tới mục đích cuối cùng về PCTN, giáo dục nhận thức của giới trẻ về PCTN cũng được coi là một trọng điểm. Vì vậy, khi Chính phủ quyết định đưa nội dung PCTN vào giảng dạy ở trường học, nhiều người kỳ vọng trong tương lai, Việt Nam sẽ có những thế hệ công dân Việt Nam "nói không với tham nhũng".

Tương lai của một quốc gia, một xã hội ít có tội phạm tham nhũng phải được "vẽ" một cách chân thực, chạm đến trái tim học sinh - sinh viên, có như thế thì việc giảng dạy về PCTN trong trường học mới đạt tới mục tiêu mà Chính phủ, ngành giáo dục trông đợi. Việc giảng dạy PCTN không thể khoán trắng cho nhà trường, các giáo viên, mà nhất định phải có sự tham gia của những người đang dành nhiều tâm huyết cho công cuộc PCTN.

Việc Thủ tướng có chỉ thị đưa giáo dục về PCTN vào chương trình giáo dục bắt đầu từ bậc phổ thông được đánh giá rất cao. Nhưng để giảng dạy PCTN có hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng phải đưa những người có thực tiễn PCTN vào trong nội dung giảng dạy ở nhà trường. Hành vi tham nhũng trước hết cần được lên án về mặt đạo đức.

Nói như bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam: Thông điệp chính của Báo cáo đưa ra tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng không phải không giải quyết được. Minh bạch và trách nhiệm giải trình thực sự là những thể chế hiện đại cần thiết cho Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Khi Việt Nam bước vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình thì thời điểm để hiện đại hóa các thể chế PCTN chính là lúc này.

Theo dddn.com.vn