• Tin tức
Thứ 4, 19/02/2014 08:40:59

Vụ cung cấp thông tin PVL của VSD: Còn độc quyền – DN còn khổ

Sau khi đăng bài viết “Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD): Cung cấp thông tin trái luật?” về những bất cập trong lĩnh vực cung cấp thông tin liên quan đến chứng khoán của Cty CP Địa ốc Dầu khí (PVL), Tòa soạn báo DĐDN đã nhận được phản hồi từ phía Trung tâm lưu ký chứng khoán về vấn đề này.
 

Trung Tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) là một đơn vị cung cấp dịch vụ 
 
lưu ký chứng khoán cho các Cty niêm yết trên sàn giao dịch
 

 

Theo nội dung phản hồi, VSD cho rằng: “Do có cách hiểu khác nhau trong Luật DN và Luật Chứng khoán về việc cung cấp danh sách người sở hữu chứng khoán PVL và tổ chức ĐHĐCĐ bất thường 2013, VSD đang xin ý kiến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung này. Trong thời gian chờ ý kiến của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, VSD tạm thời chưa cung cấp danh sách người sở hữu chứng khoán PVL cho các bên liên quan”. Tuy nhiên, theo phản ánh của các thành viên Cty PVL, HĐQT Cty PVL đang rơi vào tình thế “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. TCty CP Xây lắp dầu khí VN (PVC) với tư cách cổ đông lớn yêu cầu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường để bầu lại HĐQT. Nhưng ĐHĐCĐ bất thường này không thể thực hiện vì VSD không cung cấp danh sách cổ đông.

Cổ đông lớn đòi quyền thái quá

Khúc mắc của DN này bắt đầu diễn ra từ ngày 23/7/2011, ĐHĐCĐ thường niên Cty PVL đã thông qua việc miễn nhiệm tư cách thành viên đối với 05 thành viên HĐQT cũ, đồng thời bổ nhiệm 05 thành viên mới thay thế. Tuy nhiên, đến ngày 01/7/2013, ông Nguyễn Văn Lai – Chủ tịch HĐQT Cty PVL đã có đơn xin từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT. Đến ngày 05/8/2013, HĐQT Cty PVL đã họp và bầu ông Hoàng Ngọc Sáu giữa chức Chủ tịch HĐQT, ông Phạm Văn Hùng giữ chức TGĐ Cty PVL. Cùng với đó, ngày 28/8/2013, Sở HD&ĐT Hà Nội cũng cấp Đăng ký kinh doanh mới thừa nhận ông Phạm Văn Hùng là TGĐ Cty PVL và là người đại diện theo pháp luật của DN này.

Tuy nhiên, trước đó ngày 26/8/2013, với tư cách cổ đông lớn (sở hữu 14% cổ phần PVL), ông Nguyễn Văn Đồng – Phó TGĐ PVC đã có công văn số 2830 yêu cầu PVL tổ chức ĐHĐCĐ bất thường với lý do HĐQT và Ban kiểm soát Cty PVL đã quá hạn nhiệm kỳ 6 tháng. Như vậy, cổ đông PVC đã không thừa nhận HĐQT hiện hành của PVL. Tiếp đó, đến ngày 19/9/2013, cổ đông lớn PVC đã có Công văn số 3091 trong đó cho rằng Chủ tịch HĐQT và TGĐ của Cty PVL chỉ là “xưng danh”. Đứng trước thực trạng hết sức khó khăn của Cty PVL do thị trường bất động sản “đóng băng”. DN từ chỗ có 176 nhân sự, sau khi tái cấu trúc, Cty chỉ còn lại hơn 30 nhân sự. Dù vậy, đã gần 8 tháng qua (tính từ tháng 4/2013) cán bộ, công nhân viên của Cty chưa có lương. Trong khi ĐHĐCĐ thường niên chỉ trong quý II/2014 là phải tổ chức theo luật định. Chính vì vậy, ông Phạm Văn Hùng – TGĐ Cty PVL đã đề nghị chưa tổ chức ĐHĐCĐ bất thường. Theo ông Hùng, việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường tại thời điểm này sẽ dẫn đến tình trạng ĐHĐCĐ chồng lên ĐHĐCĐ, gây lãng phí cả về thời gian và vật chất, tổn hại đến lợi ích của Cty và của hơn 6.000 cổ đông khác.

Nhưng trước sự kiên quyết của cổ đông PVC, ngày 10/12/2013, HĐQT Cty PVL đã có công văn số 83 về việc “Tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2013 của Cty PVL”. Kèm đó, HĐQT Cty PVL cũng gửi Thông báo số 84 gửi Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Trong đó, HĐQT Cty PVL đề nghị: “VSD cung cấp Danh sách người sở hữu chứng khoán PVL để PVL tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2013 theo đề nghị của cổ đông PVC và theo luật định”. Như vậy, HĐQT Cty PVL đã chấp thuận đề nghị tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2013 của cổ đông PVC.

Trung tâm lưu ký chứng khoán “chặn cửa”

Liên quan đến việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, ngày 31/10/2013, VSD ra công văn số 8616A về việc"PVC đề nghị chốt danh sách cổ đông để thực hiện ĐHĐCĐ bất thường". Theo đó, VSD đề nghị PVL có ý kiến bằng văn bản về việc chốt danh sách người sở hữu chứng khoán PVL thực hiện quyền ĐHĐCĐ bất thường theo yêu cầu của cổ đông PVC.

 

VSD chỉ là một tổ chức cung cấp dịch vụ nhưng lại hành xử như một cơ quan quản lý hành chính.

Đến ngày 08/11/2013, PVL đã có công văn số 78/CV-HĐQT phúc đáp công văn số 8616A của VSD. Theo đó, ông Hoàng Ngọc Sáu – Chủ tịch HĐQT PVL đã đề nghị: “Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam không cung cấp cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào danh sách người sở hữu chứng khoán PVL khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của HĐQT Cty PVL theo quy định tại các điều 46 và 57 Luật Chứng khoán. Trừ trường hợp Trung tâm buộc phải cung cấp thông tin theo yêu cầu hợp pháp bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành”.

 

Thực tế, danh sách cổ đông luôn là một thông tin rất quan trọng đối với các Cty đại chúng vì nó có thể ảnh hưởng đến quyền quyết định ai sẽ là người điều hành, quản lý mỗi Cty. Luật Chứng khoán cũng quy định việc chốt và cung cấp danh sách cổ đông rất chặt chẽ. Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến ngày 02/12/2013, VSD đã ra công văn số 9476 về việc "Tổ chức ĐHĐCĐ bất thường PVL năm 2013" do bà Nguyễn Thị Thanh Hà – Phó TGĐ VSD ký. Công văn này thể hiện rằng, VSD sẽ thực hiện việc thông báo ngày đăng ký cuối cùng và cung cấp danh sách người sở hữu chứng khoán PVL tham dự ĐHĐCĐ bất thường năm 2013 theo đề nghị của cổ đông PVC; sau khi được sự cho phép của Uỷ ban CKNN thông qua công văn số 7651/UBCK-QLPH ngày 28/11/2013.

Sau một loạt công văn phản đối của HĐQT Cty PVL đối với VSD. Đến này 20/12/2013, VSD lại ra công văn số 10116 phản hồi về việc không cung cấp thông tin cho các bên liên quan.

Với công văn này, HĐQT Cty PVL đang “kẹt giữa hai làn đạn”. Không tổ chức ĐHĐCĐ bất thường thì ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông lớn PVC. Còn ngược lại muốn tổ chức thì cũng không xong, bởi vì VSD không chốt và cung cấp danh sách cổ đông. Rất nhiều cổ đông khác của Cty PVL đều tỏ ra bất bình. VSD chỉ là một tổ chức cung cấp dịch vụ nhưng lại hành xử như một cơ quan quản lý hành chính. Một số cổ đông phân tích, chỉ tại vì hiện nay, VSD đang kinh doanh độc quyền nên đơn vị này có thể ra quyết định để Cty này được tổ chức ĐHĐCĐ, Cty khác thì không được. Mặt khác, việc không cung cấp của VSD chỉ đúng với yêu cầu của PVC đối với VSD chứ yêu cầu của PVL là hoàn toàn đúng với quy định của cả Luật DN và Luật Chứng khoán. PVL được quyền triệu tập ĐHĐCĐ theo quy định tại Điều 97 Luật DN. Việc PVL đề nghị VSD cung cấp danh sách người sở hữu chứng khoán PVL là hoàn toàn đúng với nội dung của Hợp đồng cung cấp dịch vụ số 133/83/2010 và khoản 8 Điều 46 Luật Chứng khoán.

Rõ ràng, với cách cung cấp dịch vụ độc quyền, thị trường chứng khoán vẫn chưa thật sự là một kênh thu hút vốn rộng mở cho các DN.

VSD vi phạm hợp đồng

 

 


LS Đặng Thành Chung - Đoàn Luật sư Hà Nội:

 

Trung Tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) là một đơn vị cung cấp dịch vụ lưu ký chứng khoán cho các Cty niêm yết trên sàn giao dịch nên họ chính là một pháp. VSD sẽ phải ứng xử với các DN bình đẳng như một bên trong giao dịch thương mại.

 

Trở lại vụ việc, ngày 10/12/2013, PVL đã thực hiện các thủ tục để thông báo đến VSD đề nghị chốt danh sách người sở hữu chứng khoán VPL và cung cấp danh sách người sở hữu chứng khoán PVL để VPL tổ chức ĐHĐCĐ bất thường. Nhưng đến ngày 20/12/2013, VSD đã ra Công văn số 10116/VSD – ĐK về việc Cung cấp danh sách người sở hữu chứng khoán và Tổ chức Đại hội đồng Cổ đông bất thường năm 2013 – mã PVL gửi HĐQT Cty PVL và TCty CP Xây lắp dầu Khí Việt Nam (Cổ đông VPC)

 

Việc VSD lấy lý do: “Do có các cách hiểu khác nhau trong Luật DN và Luật Chứng khoán về việc cung cấp danh sách Người sở hữu chứng khoán PVL và Tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2013, VSD đang xin ý kiến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung này. Trong thời gian chờ ý kiến của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, VSD tạm thời chưa cung cấp danh sách người sở hữu chứng khoán PVL cho các bên liên quan” để không chốt danh sách người sở hữu chứng khoán PVL cho PVL cũng như không cung cấp danh sách người sở hữu chứng khoán là vi phạm quy định tại Điều 1; Khoản 1 Điều 2 của Hợp đồng cung cấp dịch vụ 133/83/2010 ngày 16/8/2010 giữa VSD và PVL. 

Mặt khác việc không cung cấp danh sách người sở hữu chứng khoán cho PVL để HĐQT đại hội đồng cổ đông bất thường còn vi phạm quy định tại khoản 8 Điều 46 Luật chứng khoán về nghĩa vụ của VSD như sau: “Cung cấp các thông tin liên quan đến việc sở hữu chứng khoán của khách hàng theo yêu cầu của Cty đại chúng, tổ chức phát hành”.

Khi VSD từ chối cung cấp danh sách người sở hữu chứng khoán PVL để PVL tổ chức ĐHĐCĐ bất thường thì PVL căn cứ vào khoản 2 Điều 6 Hợp đồng để khởi kiện tại Tòa án nhân dân Hai Bà Trưng để yêu cầu bồi thường theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Hợp đồng: “ Chịu trách nhiệm về các thiệt hại do lỗi của Bên A gây ra cho Bên B (trừ những trường hợp do những nguyên nhân bất khả kháng được pháp luật thừa nhận). Và khoản 4 Điều 46 Luật Chứng khoán về nghĩa vụ của Trung tâm lưu ký chứng khoán.

Theo dddn.com.vn